Thu ngân sách nhà nước Ngân_sách_nhà_nước

Khái niệm thu ngân sách nhà nước

Thu ngân sách nhà nước năm 2006

Để có kinh phí chi cho mọi hoạt động của mình, nhà nước đã đặt ra các khoản thu (các khoản thuế khóa) do mọi công dân đóng góp để hình thành nên quỹ tiền tệ của mình. Thực chất, thu ngân sách nhà nước là việc nhà nước dùng quyền lực của mình để tập trung một phần nguồn tài chính quốc gia hình thành quỹ ngân sách nhà nước nhằm thỏa mãn các nhu cầu của nhà nước.

Ở Việt Nam, Đứng về phương diện pháp lý, thu NSNN bao gồm những khoản tiền Nhà nước huy động vào ngân sách để thỏa mãn nhu cầu chi tiêu của Nhà nước. Về mặt bản chất, thu NSNN là hệ thống những quan hệ kinh tế giữa Nhà nước và xã hội phát sinh trong quá trình Nhà nước huy động các nguồn tài chính để hình thành nên quỹ tiền tệ tập trung của Nhà nước nhằm thỏa mãn các nhu cầu chi tiêu của mình. Thu NSNN chỉ bao gồm những khoản tiền Nhà nước huy động vào ngân sách mà không bị ràng buộc bởi trách nhiệm hoàn trả trực tiếp cho đối tượng nộp. Theo Luật NSNN hiện hành, nội dung các khoản thu NSNN bao gồm:

- Thuế, phí, lệ phí do các tổ chức và cá nhân nộp theo quy định của pháp luật;

- Các khoản thu từ hoạt động kinh tế của Nhà nước;

- Các khoản đóng góp của các tổ chức và cá nhân;

- Các khoản viện trợ;

- Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

Cần lưu ý là không tính vào thu NSNN các khoản thu mang tính chất hoàn trả như vay nợ và viện trợ có hoàn lại. Vì thế, các văn bản hướng dẫn Luật NSNN (Nghị định 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ và Thông tư 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính) chỉ tính vào thu NSNN các khoản viện trợ không hoàn lại; còn các khoản viện trợ có hoàn lại thực chất là các khoản vay ưu đãi không được tính vào thu NSNN.[1]kết luận:thu ngân sách nhà nước là sự phân chia nguồn tài chính quốc gia giữa nhà nước với chủ thể trong xã hội dựa trên quyền lực nhà nước,nhằm giải quyết hài hòa các lợi ích kinh tế,xuất phát từ yêu cầu tồn tại và phát triển của bộ máy nhà nước cũng như yêu cầu thực hiện các chức năng nhiệm vụ kinh tế xã hội của nhà nước

Đặc điểm thu ngân sách nhà nước

  • Thu ngân sách nhà nước là tiền đề cần thiết để duy trì quyền lực chính trị và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước. Mọi khoản thu của nhà nước đều được thể chế hóa bởi các chính sách, chế độ và pháp luật của nhà nước;
  • Thu ngân sách nhà nước phải căn cứ vào tình hình hiện thực của nền kinh tế; biểu hiển ở các chỉ tiêu tổng sản phẩm quốc nội GDP, giá cả, thu nhập, lãi suất, v.v...
  • Thu ngân sách nhà nước được thực hiện theo nguyên tắc hoàn trả không trực tiếp là chủ yếu.
  • Thu ngân sách theo hai phương thức: tự nguyện và bắt buộc
  • Nội dung thu ngân sách nhà nước:
1.Thu thuế

Thuế là một khoản đóng góp bắt buộc cho nhà nước do luật quy định đối với các pháp nhân và thể nhân nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của nhà nước.Thuế phản ánh các quá trình phân phối lại thu nhập trong xã hội,thể hiện các mối quan hệ tài chính giữa nhà nước với các pháp nhân và thể nhân trong phân phối các nguồn tài chính và là công cụ cơ bản thực hiện phân phối tài chính.

2. Phí và lệ phí

Phí và lệ phí là khoản thu có tính chất bắt buộc, nhưng mang tính đối giá, nghĩa là phí và lệ phí thực chất là khoản tiền mà mọi công dân trả cho nhà nước khi họ hưởng thụ các dịch vụ do nhà nước cung cấp. So với thuế, tính pháp lý của phí và lệ phí thấp hơn nhiều. Phí gắn liền với vấn đề thu hồi một phần hay toàn bộ chi phí đầu tư đối với hàng hóa dịch vụ công cộng hữu hình. Lệ phí gắn liền với việc thụ hưởng những lợi ích do việc cung cấp các dịch vụ hành chính, pháp lý cho các thể nhân và pháp nhân.

3. Các khoản thu từ các hoạt động kinh tế của nhà nước

Các khoản thu này bao gồm:

  • Thu nhập từ vốn góp của nhà nước vào các cơ sở kinh tế có vốn góp thuộc sở hữu nhà nước;
  • Tiền thu hồi vốn tại các cơ sở của nhà nước;
  • Thu hồi tiền cho vay của nhà nước.
4. Thu từ hoạt động sự nghiệp

Các khoản thu có lãi và chênh lệch từ các hoạt động của các cơ sở sự nghiệp có thu của nhà nước.

5. Thu từ bán hoặc cho thuê tài nguyên, tài sản thuộc sở hữu nhà nước

Khoản thu này mang tính chất thu hồi vốn và có một phần mang tính chất phân phối lại, vừa có tính chất phân phối lại, vừa có tác dụng nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản quốc gia vừa tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Các nguồn thu từ bán hoặc cho thuê tài sản, tài nguyên, thiên nhiên; thu về bán tài sản thuộc sở hữu nhà nước.

6. Thu từ phạt, tịch thu, tịch biên tài sản

Các khoản thu này cũng là một phần thu quan trọng của thu ngân sách nhà nước và được pháp luật quy định...

Yếu tố ảnh hưởng thu ngân sách nhà nước

  • Thu nhập GDP bình quân đầu người: đây là nhân tố quyết định đến mức động viên của NSNN.
  • Tỷ suất doanh lợi trong nền kinh tế: đây là chi tiêu phản ánh hiểu quả của đầu tư phát triển kinh tế, tỉ suất này càng lớn thì nguồn tài chính càng lớn, do đó thu NSNN phụ thuộc vào mức độ trang trải các khoản chi phí của nhà nước.
  • Tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên: đây là yếu tố làm tăng thu NSNN, ảnh hưởng đến việc năng cao tỉ suất thu.
  • Tổ chức bộ máy thu ngân sách: nhân tố này ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thu.
  • Thuế suất: quyết định trực tiếp tới thu NSNN, tuy nhiên ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Nguyên tắc thiết lập hệ thống thu ngân sách

Các nguyên tắc định hướng
  • Nguyên tắc thu thuế theo lợi ích;
  • Nguyên tắc thu theo khả năng.
Các nguyên tắc thực hiện thực tế
  • Nguyên tắc ổn định và lâu dài;
  • Nguyên tắc đảm bảo sự công bằng;
  • Nguyên tắc rõ ràng, chắc chắn;
  • Nguyên tắc đơn giản.
  • Nguyên tắc phù hợp với thông lệ quốc tế

Các giải pháp tăng thu ngân sách nhà nước

  1. Một là, trong khi khai thác, cho thuê, nhượng bán tài sản, tài nguyên quốc gia tăng thu cho ngân sách, nhà nước cần phải dành kinh phí chính đáng để nuôi dưỡng, tái tạo và phát triển các tài sản, tài nguyên ấy, không làm cạn kiệt và phá hủy tài sản, tài nguyên vì mục đích trước mắt.
  2. Hai là, chính sách thuế phải vừa huy động được nguồn thu cho ngân sách nhà nước, vừa khuyến khích tích tụ vốn cho doanh nghiệp và dân cư.
  3. Ba là, chính sách vay dân để bù đắp thiếu hụt ngân sách nhà nước phải được đặt trên cơ sở thu nhập và mức sống của dân.
  4. Bốn là, dùng ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp vào một số doanh nghiệp quan trọng trong những lĩnh vực then chốt, nhằm tạo ra nguồn tài chính mới.
  5. Năm là, nhà nước cần có chính sách tiết kiệm, khuyến khích mọi người tiết kiệm tiêu dùng, tinh giản bộ máy, cải cách hành chính để tích lũy vốn chi cho đầu tư.